Bánh cốm Hà Nội là thức quà giản dị mà độc đáo, đại diện cho tinh hoa văn hoá ẩm thực thủ đô. Những chiếc bánh cốm xanh màu mạ non làm say lòng thực khách bằng vị ngọt thanh tao, thơm lừng hương cốm, xen lẫn là phần nhân đậu xanh mềm mịn, béo bùi, ăn ngon mà chẳng hề ngán.

 

Nguồn gốc của món bánh cốm Hà Nội

Bánh cốm Hà Nội là thức quà đặc sản của thủ đô, ra đời từ khoảng nửa sau thế kỷ XIX. Theo ghi chép, bánh cốm được sáng tạo vào năm 1865 bởi cụ Trần Thị Luân - cụ trưởng ái gia tộc Nguyên Ninh sinh sống tại phố Hàng Than, dựa trên món bánh chưng truyền thống. Ý tưởng ban đầu của cụ là giúp mọi người có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của cốm quanh năm mà không cần chờ đến mùa cốm.

Nghề làm bánh cốm ở phố Hàng Than cũng hình thành từ đó, trước cả phố chỉ có vài nhà làm bánh, nay đã có hơn 50 cửa hàng chạy dọc con phố. Bánh cốm Hà Nội bây giờ cũng có đôi chút khác biệt so với trước đây, việc xào cốm bằng than củi thủ công được thay thế bằng máy móc hiện đại hoặc bằng bếp ga.

Tuy nhiên, nguyên liệu và cách thức làm bánh thì vẫn được giữ nguyên, có chăng là sự thay đổi trong cách đóng gói. Ngày trước, bánh được gói bằng lá chuối non, nay chuyển sang gói bằng giấy nilon, đựng trong hộp giấy in nhãn mác đẹp mắt, thuận tiện cho cả việc bảo quản và vận chuyển.

Hương vị bánh cốm Hà Nội

Bánh cốm Hà Nội sở hữu lớp vỏ màu xanh lá mạ bắt mắt, dẻo dai và thơm mùi cốm mới. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được phần vỏ bánh hương cốm thơm lừng, ngọt nhẹ kết hợp cùng phần nhân đậu xanh mềm mịn và dừa sợi béo bùi. Tất cả các loại nguyên liệu hoà quyện hài hoà, ngọt dịu, thanh tao, ăn ngon mà không hề ngán.

Nguyên liệu và cách chế bánh cốm chuẩn truyền thống

Bánh cốm Hà Nội không cầu kỳ về hình thức nhưng lại cực kỳ công phu trong cách làm, từ khâu tuyển chọn nguyên liệu cho đến chế biến. Nếu muốn “thử sức” cùng món bánh này tại nhà, bạn có thể tham khảo công thức dưới đây của Traveloka.

Nguyên liệu làm bánh cốm

Để có được một chiếc bánh cốm dẻo thơm, chuẩn vị truyền thống cho 4 người ăn, bạn cần chuẩn bị các loại nguyên liệu sau:

Cốm dẹp khô: 200gr

Đậu xanh: 200gr
Gạo nếp: 50gr
Lá dứa: 100gr
Nước cốt dừa: 80gr
Gia vị: tinh dầu bưởi, dầu ăn, đường, muối

Cách làm bánh cốm Hà Nội

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại nguyên liệu, bạn tiến hành làm bánh cốm theo các bước sau đây:

Bước 1: Sơ chế các loại nguyên liệu làm bánh

Bước đầu tiên trong quy trình làm bánh cốm Hà Nội là lựa chọn và sơ chế các loại nguyên liệu như: gạo nếp, cốm và đậu xanh. Đối với cốm, bạn nên chọn loại cốm mỏng dẹt, có mùi thơm đặc trưng và màu xanh tự nhiên.

Đậu xanh làm nhân phải là loại đậu có màu vàng tươi, hạt to đều, không bị sâu mọt hay có mùi khó chịu. Nếp làm vỏ bánh cũng nên chọn loại gạo nếp sáng, hương thơm tự nhiên, không nên chọn loại gạo quá trắng.

Cốm dẹp khô sau khi mua về bạn sàng thật kỹ để loại bỏ cát, nhặt bỏ các hạt xấu rồi rửa qua với nước ấm và để ráo nước. Đậu xanh và gạo nếp bạn mang đi vo thật sạch rồi ngâm nước lạnh trong khoảng 3 – 4 tiếng. Lá dứa bạn rửa sạch với nước, cắt thành từng khúc nhỏ rồi đem đi xay cùng 150ml nước lọc, sau đó vắt lấy phần nước cốt.

Bước 2: Chế biến phần nhân đậu xanh cho bánh

Đậu xanh sau khi ngâm nước bạn cho vào nấu cùng 300ml nước và 1 muỗng cà phê muối, thời gian nấu khoảng 3 phút. Khi đậu xanh đã chín, bạn chắt bỏ hết nước trong nồi rồi rửa đậu lại cho thật sạch. Tiếp đến, bạn cho đậu vào nồi, đổ nước cách mặt đậu tầm 3cm rồi nấu bằng lửa lớn.

Sau khoảng 5 phút, bạn giảm lửa và nấu thêm khoảng 10 phút cho đến khi đậu chín. Đậu sau khi chín bạn cho vào máy xay và xay cho thật nhuyễn mịn.

Bước 3: Nấu cốm

Nấu cốm là một trong những bước quan trọng trong quy trình chế biến bánh cốm Hà Nội. Nếp sau khi vo bạn cho vào nấu cùng nước và một ít muối, nấu đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa rồi nấu thêm khoảng 5 phút. Tiếp đến, bạn cho nước cốt lá dứa vào gạo nếp đã nấu, thêm 80g đường, cốm và 1 muỗng cà phê muối rồi trộn đều lên.

Hỗn hợp trên sẽ được nấu bằng mức lửa trung bình trong 5 phút, sau đó hạ nhỏ lửa và nấu thêm khoảng 15 phút cho đến khi cốm tan hết. Trong lúc nếp vẫn còn nóng, bạn thêm vào 15ml tinh dầu bưởi, trộn đều rồi cho vào máy xay xay nhuyễn. Một lưu ý nhỏ là bạn chỉ nên cho một lượng tinh dầu bưởi vừa đủ, quá nhiều tinh dầu sẽ khiến cho nhân bánh bị đắng.

Bước 4: Gói bánh cốm

Để thuận tiện cho việc bảo quản, bánh cốm Hà Nội hiện nay đa phần được gói bằng giấy nilon. Đầu tiên, bạn hãy trải giấy nilon lên mặt phẳng, quét qua một lớp dầu ăn rồi dàn mỏng cốm lên trên. Tiếp theo, bạn cho nhân đậu xanh đã sên vào rồi dàn thêm một lớp cốm phủ lấy phần nhân. Cuối cùng, bạn dùng nilon bọc kín bánh, dàn mỏng tạo hình vuông rồi vuốt đều các mép là hoàn thành.

Bánh cốm thành phẩm có lớp vỏ mềm dẻo, thơm mùi cốm và lá dứa. Phần nhân đậu xanh được xay nhuyễn mịn, khi ăn có vị béo bùi đặc trưng và thơm hương tinh dầu bưởi. Về hình thức, bánh phải đạt được màu xanh lá mạ tự nhiên, kích thước bánh vừa phải, vuông vức, không quá dày cũng không quá mỏng.

Sau khi chế biến, bạn có thể bảo quản bánh ở nhiệt độ thường trong vòng 3 – 4 ngày, không nên cho bánh vào tủ lạnh để tránh vỏ bánh bị cứng và sượng.